Đồng hành với người khuyết tật

Tin mới 04/12/2019 - 14:48:05
Đồng Nai hiện có 154 ngàn người khuyết tật, trong đó có 12,4 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, trên 17,3 ngàn người khuyết tật nặng được tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế và tạo điều kiện tham gia các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, đào tạo nghề, vay vốn sản xuất...

Điều này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của các cấp, các ngành và cộng đồng đối với người khuyết tật, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

* Thiết thực chăm lo đời sống người khuyết tật

Vợ chồng anh Đỗ Văn Bình (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đều bị khuyết tật chân. Đầu năm 2017, gia đình anh chào đón thêm thành viên mới. Niềm vui đến kèm theo nỗi lo làm sao để có đủ tiền nuôi con nhỏ, bởi cả 2 vợ chồng đều sống phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Nhà nước với tổng cộng khoảng 1 triệu đồng/tháng.

“May mắn thay, địa phương đã giới thiệu cho gia đình tôi đến cư ngụ tại một nhà trọ với giá thuê rẻ hơn so với nơi ở trước. Chủ nhà trọ cũng giảm giá tiền điện, nước cho gia đình. Ngoài ra, còn bảo lãnh với đại lý vé số để vợ chồng tôi nhận vé về bán kiếm thêm thu nhập” - anh Bình nói.

Trước đó, qua sự vận động của địa phương, vợ chồng anh Bình cũng được mạnh thường quân trao tặng 2 xe lăn, xe lắc, nạng chống để thuận tiện trong việc di chuyển.

Ông Lê Độc Lập (phường Xuân Tân, TP.Long Khánh) có con gái là Lê Thị Trúc Giang bị bại não cho hay, từ năm 2010 đến nay, mỗi tháng con ông được nhận trợ cấp xã hội 450 ngàn đồng. Con gái ông đi lại, ăn uống bình thường nhưng đầu óc chỉ như đứa trẻ 10 tuổi nên mọi việc cha mẹ phải làm thay. Mỗi năm, khi thành phố hay tỉnh tổ chức các hoạt động vui chơi, tham quan các khu du lịch con ông đều được tạo điều kiện tham gia. “Con được tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham quan du lịch tôi mừng lắm” - ông Lê Độc Lập thổ lộ.

Chị Phạm Thị Thanh Vân (ngụ phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) bị khuyết tật vận động và chậm phát triển trí tuệ. Bà Phạm Thị Dậu, mẹ của chị Vân chia sẻ, hằng tháng con bà được Nhà nước hỗ trợ 600 ngàn đồng. Ngoài ra, một trường học ở huyện Long Thành còn trao tặng 150 ngàn đồng/tháng; mạnh thường quân tặng xe lăn để di chuyển. “Sự quan tâm này là  động lực để con tôi tuy chậm phát triển trí não song vẫn cố gắng học sử dụng máy vi tính để có thêm kiến thức” - bà Phạm Thị Dậu nói.

Bà Phạm Thị Bích Châu (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) bị khuyết tật chân cho hay: “Đây là lần thứ 2 tôi được tặng xe lăn. Ngoài ra, khi cần được chăm sóc sức khỏe do hoàn cảnh gia đình khó khăn tôi đều được địa phương, các tổ chức hỗ trợ nhiệt tình”.

* Nhiều dự án hỗ trợ 

Cùng với các chế độ trợ cấp tiền, hỗ trợ dụng cu, trang thiết bị vận động, tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao, những năm qua đã có rất nhiều dự án hỗ trợ dài hơi dành cho người khuyết tật được Đồng Nai phối hợp cùng nhiều đơn vị thực hiện.

Trẻ em khuyết tật ở huyện Tân Phú vui chơi tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức. Ảnh: Văn Truyên
Trẻ em khuyết tật ở huyện Tân Phú vui chơi tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức. 

Mới đây, Sở Y tế đã triển khai dự án thực thi quyền và trị liệu cho người khuyết tật, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, hiện Sở Y tế đang phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam và một số đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án này, bắt đầu từ tháng 10-2019 đến tháng 9-2023, với tổng nguồn vốn là trên 35,3 tỷ đồng. Dự án được thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội điều trị, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa cho người khuyết tật.

Cụ thể, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường nguồn lực cho các chương trình và dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật thông qua những hoạt động cụ thể như: xây sửa nhà vệ sinh cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật; nâng cao dịch vụ điều trị cho người khuyết tật (vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngữ âm trị liệu); đào tạo chuyên môn cho đội ngũ hành nghề phục hồi chức năng và chăm sóc người khuyết tật… Sau khi kết thúc dự án sẽ có từ 2,5-3 ngàn người khuyết tật được hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà. Đây là một tín hiệu vui đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, thông qua thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh do Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, nhiều phúc lợi xã hội đã đến với người khuyết tật như: đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, tham gia vào hoạt động thể thao - văn nghệ, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật, khám sàng lọc, chỉnh hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật... Ngoài ra, Đồng Nai còn phối hợp với nhiều đơn vị như: Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, Quỹ quốc tế Phát triển Thụy Điển, Tổ chức Handicap International, Tổ chức phi chính phủ Holt Việt Nam và Hiệp hội Christina Noble Children’s Foundation... thực hiện nhiều đề án, giải pháp hỗ trợ người khuyết tật.

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), thời gian qua đã có 65 trẻ khuyết tật ở Đồng Nai được cung cấp dịch vụ can thiệp vật lý trị liệu; gần 2 ngàn trẻ em khuyết tật được hỗ trợ tham gia giáo dục hòa nhập; hơn 3,6 ngàn dụng cụ hỗ trợ, dụng cụ phục hồi chức năng được hỗ trợ cho người khuyết tật. Sở Giao thông - vận tải đã cấp 2 ngàn thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật...

 

Theo baodongnai.com.vn