Tiếp tục chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ người mù, người khuyết tật

Tin mới 10/07/2019 - 14:33:13
Sáng 9-7, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 12-4-1989 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa VI về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam. Tới dự, có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư.

Qua 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Hội Người mù Việt Nam đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình công tác; tổ chức Hội không ngừng phát triển; vai trò vị thế của Hội từng bước được khẳng định; đời sống về vật chất, văn hóa, tinh thần người mù ngày càng được cải thiện, giúp người mù xóa đi mặc cảm, từng bước hòa nhập bình đẳng cộng đồng. Ðến nay, Hội đã được Nhà nước giao quản lý hơn 51 tỷ đồng vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; Hội đã cho hơn 37 nghìn lượt hộ vay, tạo việc làm cho khoảng 13 nghìn lao động; triển khai cho vay tại 51 tỉnh Hội và 55 cơ sở sản xuất tập trung, doanh số cho vay đạt hàng trăm tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất tập trung dành riêng cho người mù vẫn duy trì và phát triển, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người mù…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ: Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội đối với người mù, Hội Người mù Việt Nam có chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần được ban hành, thực hiện hiệu quả; các chương trình, đề án, các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, người mù đã góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người mù hòa nhập vào xã hội, cải thiện cuộc sống, tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 51 còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho Hội. Công tác xã hội hóa việc chăm lo, giúp đỡ người mù chưa thường xuyên và đạt hiệu quả như mong muốn. Một số cơ sở Hội, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hoạt động còn hạn chế. Một bộ phận người mù, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống còn gặp nhiều khó khăn…

Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm của Ðảng về công tác chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, trong đó có người mù và Hội Người mù các cấp hòa nhập xã hội. Tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thông qua việc ban hành các chính sách tạo cơ hội, điều kiện cho người mù, người khuyết tật học tập, có việc làm, thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển của đất nước đem lại. Ðồng thời, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với xây dựng, thực thi các chính sách đối với người khuyết tật, người mù, các hội về người khuyết tật, Hội Người mù. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội động viên, khuyến khích, vận động nguồn lực xã hội để góp phần cùng Nhà nước hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ người mù, người khuyết tật xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Hội; quan tâm, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích thiết thực của hội viên; tham gia hiệu quả vào các chương trình, đề án của người khuyết tật; phát huy vai trò giám sát, phản biện đối với các chính sách về người khuyết tật. Hội cần tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát huy vai trò, nghị lực, ý chí, đoàn kết, tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Theo nhandan.com.vn