Thực hiện và bảo đảm quyền, phúc lợi của người khuyết tật

Tin mới 28/12/2018 - 09:40:49
Cả nước hiện có khoảng tám triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (từ năm tuổi trở lên). Trong tổng số người khuyết tật của cả nước có 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cần sự quan tâm trợ giúp của toàn xã hội.
Thực hiện và bảo đảm quyền, phúc lợi của người khuyết tật

Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn (Thanh Hóa). 

Ngày 27-12, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị thường kỳ Tổng kết năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ủy ban) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên thường trực của Ủy ban, đại diện các bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB và XH cho biết, cả nước hiện có khoảng tám triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số (từ năm tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em. Trong tổng số người khuyết tật của cả nước có 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2018, đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Đặc biệt, ước tính khoảng 10% người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo.

Thực hiện và bảo đảm quyền người khuyết tật

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến người khuyết tật, thể hiện qua việc ban hành mới và điều chỉnh nhiều chính sách về người khuyết tật phù hợp thực tế, cũng như việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ người khuyết tật.

Cụ thể, năm 2018, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành, điều chỉnh nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.

Nhìn chung trên cả nước năm 2018, công tác về người khuyết tật đạt nhiều kết quả tích cực tại các mảng công tác như: ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; trợ giúp đời sống, cải thiện sinh hoạt; truyền thông; giáo dục; y tế, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm; giao thông tiếp cận; văn hoá, thể thao và du lịch; tiếp cận CNTT và truyền thông; trợ giúp pháp lý; trợ giúp phụ nữ khuyết tật; phát triển mạng lưới của tổ chức người khuyết tật; thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế, cũng như nhiều công tác trợ giúp, hỗ trợ khác. Trong đó, có nhiều mô hình mới, sáng kiến mới thiết thực đạt hiệu quả cao.

Từ đó, nhận thức của xã hội về người khuyết tật ngày càng được nâng cao và chuyển biến rõ rệt theo hướng thực hiện bảo đảm quyền của người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật ngày càng thu hút được sự quan tâm và trách nhiệm từ các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Các rào cản xã hội, giao thông, đi lại, thông tin ... của người khuyết tật từng bước được tháo gỡ, các hình thức đào tạo nghề cho người khuyết tật ngày càng phát triển và được đa dạng hoá. Các phong trào hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật cũng được đẩy mạnh, có sức lan toả, huy động và thu hút được sự quan tâm tham gia của cộng đồng.

Đặc biệt, năm 2018, đã bố trí hơn 17 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho các địa phương thực hiện trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật theo Nghị định số 136/NĐ-CP. Bố trí gần 300 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Dành hơn 360 tỷ đồng thực hiện Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế (trong đó có đối tượng người khuyết tật).

Quang cảnh Hội nghị.

Những tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác người khuyết tật. Trong đó, nổi lên vẫn là rào cản về tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật, nhất là ở khu vực nông thôn. Người khuyết tật ở Việt Nam hiện còn khó tiếp cận các hoạt động văn hoá, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở. Số lượng người khuyết tật sử dụng Internet hiện vẫn ở mức thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.

Ngoài ra, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng mức trợ cấp cho người khuyết tật hiện nay còn thấp, số lượng người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Cơ sở vật chất tại các điểm trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đặc biệt, vẫn còn thiếu vắng các dịch vụ trị liệu tâm lý dành cho người khuyết tật.

Cũng tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong chính sách về đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật, thí dụ như bất cập trong cơ chế đối với giáo viên dạy người khuyết tật, hiện chưa có mã ngạch riêng để bảo đảm cơ chế đặc thù.

Nguyên nhân của các tồn tại hạn chế là do công tác truyền thông chính sách còn hạn chế; nhiều nơi còn thiếu quan tâm đến việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật dẫn đến việc chưa nghiêm túc trong triển khai thực hiện.

Các nguồn lực bố trí cho công tác người khuyết tật còn chưa đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách toàn diện và đầy đủ. Kinh phí bố trí hằng năm cho công tác người khuyết tật của các bộ, ngành, địa phương còn eo hẹp, hạn chế.

Đặc biệt, phải kể đến việc bố trí kinh phí từ Chương trình Giảm nghèo, Chương trình Nông thôn mới cho công tác hỗ trợ người khuyết tật còn khó khăn, bất cập. Việc lồng ghép các chính sách, nguồn lực trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội đối với người khuyết tật còn chưa tốt, nhất là chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình, và bản thân người khuyết tật. Hơn nữa, một bộ phận người khuyết tật còn thiếu tự tin, chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Hội nghị cũng đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Ủy ban, cũng như các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác người khuyết tật.

Theo nhandan.com.vn